Totto-Chan cô bé bên cửa sổ là một quyển sách cực kỳ xuất sắc. Rất hay, hay không phải vì nó là cuốn sách Best Seller hay vì nó được viết bởi một tác giả hàng đầu, hay là bởi những doanh nhân nổi tiếng, hay là gì cả. Nó hay vì thực sự nó đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc, chưa bao giờ tôi cảm thấy như thế khi đọc 1 cuốn sách, càng về cuối càng hay, càng xúc động và thức tỉnh trong tôi nhiều điều.
Cuốn sách nói về một ngôi trường Tomoe do thầy Kobayashi Sosaku làm hiệu trưởng, là một câu chuyện có thật của một cô bé theo học tại một trường tiểu học có thật ở Tokyo vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ II sắp kết thúc. Cuốn sách mà tôi nghe nói từ lâu, rất nổi tiếng, rất nhiều người biết mà đến bây giờ một thằng ngốc như tôi mới được đọc, cuốn sách mang tên “Totto-chan cô bé bên cửa sổ”. Câu chuyện về một cô bé hư, cá biệt, sau khi bị đuổi học đã chuyển đến ngôi trường kì lạ. Ở đó học sinh được học và chơi tất cả những gì chúng thích một cách tự nhiên nhất, vô tư nhất, thoải mái nhất. Đúng như trong phần kết của cuốn sách có trích 1 câu của thầy hiệu trưởng nói với các bảo mẫu:” Không được gò các em vào kế hoạch của cô giáo, phải cho các em vui chơi thoải mái trong thiên nhiên, Ước mơ của các em còn lớn hơn nhiều kế hoạch của cô giáo”……….
Tôi không đủ khả năng để viết lại tất cả những gì trong cuốn sách Totto-Chan cô bé bên cửa sổ này. Tôi chỉ biết cảm phục thầy Kobayashi- người có tình yêu thực sự dành cho trẻ em, lòng nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục đã lạc quan nói với cậu con trai của mình trong khi ngọn lửa bom đạn đang thiêu cháy trường Tomoe :” Này, thế lần tới ta sẽ xây một trường thế nào?” Người hiệu trưởng đó đã xây dựng những lớp học của trường Tomoe nằm trong những toa tàu, học sinh được đổi chỗ thoải mái mỗi ngày, mỗi buổi học giáo viên chỉ viết những việc cần làm trong ngày hôm nay và tất cả học sinh đều có thể học bất cứ môn gì trước cũng được, làm gì cũng được, bạn thích học toán thì có thể học toán trước mà ko phải nằm ngủ trong tiết học văn để chờ học toán. Các bạn được cô giáo nói rằng có thể được “đi dạo” vào buổi chiều nếu hoàn thành bài tập vào buổi sáng và mỗi chuyến đi dạo là mỗi lần các em được học điều gì đó mới lạ, thú vị từ thiên nhiên, cuộc sống, gợi mở ra bao nhiều câu chuyện cho các em học hỏi và vì thế học sinh luôn cố gắng hoàn thành công việc vào buổi sáng để “đi dạo” vào buổi chiều.
Ngẫm lại sự học của bản thân, có khi nào trong cuộc đời mà tôi thích học ở trường, ko muốn về nhà, chỉ muốn ở trường, và mỗi buổi sáng đều háo hức đến trường ko? Chắc là chưa bao giờ, thế mà thầy Kobayashi đã làm được như thế đó!! Còn nhiều điều nữa mà tôi rất muốn nói ví dụ như cách thầy giúp các em học sinh khuyết tật vứt bỏ được mặc cảm về bản thân bằng cách cho tất cả học sinh trong trường cởi hết quần áo và bơi cùng nhau. Khi đó bạn béo, bạn gầy, bạn nam, bạn nữ đều giống nhau, ko ai mặc cảm và các em cũng không phải tìm hiểu sự khác biệt giữa hai giới tính bằng cách tiêu cực mà bằng cách tự nhiên nhất là tắm cùng với nhau. Hay là những bài học, những hành vi hàng ngày đã tạo trong những cô bé, cậu bé Nhật Bản rằng: cư xử thô lỗ và xô đẩy người yếu hơn mình là một điều đáng hổ thẹn, tự mình nên dọn dẹp khi thấy chỗ nào bừa bộn, cố gắng để không phiền đến người khác,…hay là mọi người phải giúp đỡ nhau, bất kì tuổi tác,…..
Rất nhiều, rất nhiều điều thú vị trong cuốn sách Totto-chan cô bé bên cửa sổ mà tôi không nói được hết ở đây. Một điều chắc chắn rằng không phải tự nhiên con người Nhật Bản lại có nhiều tính cách, thói quen tốt mà cả thế giới phải ngưỡng mộ như thế. Ko chỉ là câu chuyện “rừng vàng, biển bạc” mà chúng ta thường nghe, thực chất sự giáo dục từ mầm non đã tạo nên một tính cách, thói quen tốt như thế đó.
Trích một câu trong cuốn sách mà tôi tâm đắc nhất để chia sẻ, và tôi nghĩ rất đáng để suy ngẫm trong thời điểm hiện tại. Thời điểm mà giáo dục Việt Nam còn nhiều vấn đề và cần sự cải cách. Tác giả đã nói: “ Đứa trẻ nào sinh ra cũng có phẩm chất tốt. Cùng với sự trưởng thành, những phẩm chất đó bị phá hỏng bởi môi trường xung quanh và ảnh hưởng của người lớn. Vì vậy, phải sớm tìm ra “phẩm chất tốt” ở trẻ em, phát triển những phẩm chất đó, giúp đứa trẻ trở
thành một người có cá tính”. Đọc xong câu này tôi liên tưởng ngay đến bé Nhật Nam- dịch giả thần đồng trẻ tuổi của Việt Nam về những gì tác giả cuốn sách viết, những gì báo chí viết trong thời gian vừa rồi và những phản ứng của cộng đồng về sự việc này. Thực sự, đáng để suy ngẫm và thao thức về giáo dục …
Nếu bạn yêu trẻ, yêu thích và có ý định muốn đóng góp gì đó về giáo dục, cuốn sách Totto-Chan cô bé bên cửa sổ sẽ là lựa chọn tuyệt vời để có thể thúc đẩy động lực cũng như chắp cánh cho những thế hệ trẻ ngày càng tiến bộ và được hưởng nền giáo dục tuyệt vời hơn.
Xem thêm: Review sách Phi lý trí – Dan Ariely