GIẤC MƠ MỸ – ĐƯỜNG ĐẾN STANFORD – Huyền Chip

Đầu tiên là mình không thích cái tên sách cho lắm, nó cơ bản quá, bình thường quá, và “Đường đến Standford nó trớt quớt quá, vì nội dung sách chủ yếu là những câu chuyện thú vị của Chip trong quá trình học ở Standford, những câu chuyện về quá trình học tập, khác biệt văn hóa, sự thay đổi về mặt nhận thức, tình yêu tình báo của Chip trong những năm tháng ở đây.

Thứ hai, là tiếp theo. Mình vô cùng thích nội dung của cuốn sách này của Huyền Chip.

Mình không nhớ nhiều về lối viết của Chip trong cuốn Xách ba lô lên và đi, nhưng mình thích cách kể chuyện của Chip với cuốn này, nhẹ nhàng, giản dị, gần gũi, cuốn hút và truyền được nhiều cảm hứng cho mình, nếu không nói là mình đã được nhen nhóm lại ước mơ đi học ở những ngôi trường hàng đầu thế giới nhờ cuốn sách này.

Trải nghiệm thời sinh viên khá muộn so với lứa tuổi của mình, theo mình biết là Huyền Chip được nhận vào Standford năm 2014, lúc ấy bạn ấy đã 24 tuổi, thời điểm đa phần các bạn khác đã tốt nghiệp đại học và đối diện với cuộc sống thực sự. Khởi đầu muộn không có nghĩa là về đích chậm, và vì đích đến của mỗi người trong cuộc đời này lại quá khác nhau, nên cuối cùng việc tuổi tác, so sánh này kia chẳng có gì nhiều ý nghĩa.

Chip đã có những chuyến đi để đời và câu chuyện của bạn ấy đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam cũng thực hiện những chuyến đi đầu tiên của mình, để rồi tên sách “Xách ba lô lên và đi” trở thành câu châm ngôn, câu nói cửa miệng của vô số bạn trẻ mỗi khi họ bắt đầu một chuyến đi mới. Không dừng ở đó, mình nghĩ là những câu chuyện và trải nghiệm của Chip ở một trong những ngôi trường danh giá nhất thế giới cũng thật… đáng ganh tị.

Chip dùng những từ ngữ đơn giản nhất để mô tả những người bạn thuộc dạng hàng khủng nhất mà mình có thể tưởng tượng. Kì thủ cờ vua top 10 thế giới, thắng một giải đấu là có thể kiếm được 100k. Anh bạn lấy bằng thạc sĩ ở tuổi còn đôi mươi. Cô giảng viên nói tới 10 ngôn ngữ… và vô số câu chuyện khác khiến Chip thấy bản thân thật tầm thường, mình đọc xong thấy những gì mình làm, mình tự hào là quá nhỏ bé so với những điều họ đã làm và cống hiến. Hồi còn sinh viên, những lúc còn ra công viên “bắt” Tây để luyện tiếng Anh, mình kiểu như là đã há hốc mồm khi làm quen được với 1 cậu sinh viên học ở Yale. Chẳng trách mà rất nhiều lận Chip vô cùng phấn khích khi gặp được những nhân vật khủng khiếp phía trên, đó là chưa kể tới những giáo sư đầu ngành, những nhân vật nhận Nobel, Pulitzer đi qua đi lại trong khuôn viên trường.

Những hoạt động sinh viên mà Chip có cơ hội trải nghiệm cũng quá đa dạng và vô cùng phong phú. Ước chi mình được tham gia cái hoạt động hôn nhiều người nhất có thể haha. Những áp lực của Chip phải trải qua khi là trợ giảng khi còn là sinh viên năm nhất thật ngầu và khá khủng khiếp. Bản thân mình là một người nói tốt trước đám đông nhưng mãi đến cuối năm hai mới thực sự dám giảng giải hay hướng dẫn gì đó cho mấy cái đám đông. Vậy mà bạn ấy với vốn tiếng Anh không phải quá xuất sắc và kinh nghiệm ít ỏi trong ngành học, lại được chọn để trở thành trợ giảng, quá là ngầu.

Cuộc sống vội vã, khép kín, quan điểm sống cực đoan và phải đánh đổi khá nhiều thứ trong cuộc sống trong môi trường đại học cạnh tranh cũng sẽ khiến nhiều bạn cảm thấy sợ hãi. Mình thấy ấn tượng với quan điểm cuộc sống là 4 cái bếp dùng chung 1 bình gas (Bạn bè, sức khỏe, gia đình và sự nghiệp), và để thành công thì ta phải tắt ít nhất là 2 cái bếp. Người bạn kể câu chuyện này cho Chip sẵn sàng tắt cả 3 cái bếp bạn bè, sức khỏe và gia đình. Toàn bộ thời gian được dành cho việc học và phát triển nghề nghiệp. Ngủ không quá 6 tiếng một ngày, bỏ bữa ăn thường xuyên, không bạn bè và yêu đương nhắng nhít. Mình không đồng ý với quan niệm này, nhưng biết đâu lối sống cực đoan đó chính là công thức để họ tạo nên những điều vĩ đại với năng suất khó mà tin được.

Vì là cuốn sách kể về những trải nghiệm đại học, và cũng vì muốn bắt đầu lại từ đầu sau những ồn ào thị phi trước đó, nên Chip không đề cập đến những chuyến đi quá nhiều trong cuốn sách này, nhưng đâu đó mình vẫn cảm thấy những chuyến đi chắc chắn không thể nào thiếu được trong cuộc đời bạn ấy, nhưng có lẽ sự thay đổi lớn nhất là những chuyến đi của bạn ấy bây giờ sẽ có nhiều ý nghĩa quan trọng, mang lại giá trị, điều gì đó cho cộng đồng, hơn là đi chỉ vì đi như thời còn trẻ, theo bạn ấy nói.
Mình nghĩ đây là một cuốn sách giá trị, truyền cảm hứng rất nhiều cho những ai có mong muốn theo đuổi những ước mơ quá lớn so với tầm với của bản thân, nó sẽ là nguồn động viên để bạn lại tiếp tục âm thầm và chăm chỉ nuôi dững những giấc mơ hoang dại.

Mình thấy vui vô cùng vì ngày xưa cũng đọc một cuốn sách với chủ đề tương tự do một bạn người Trung Quốc viết, đó cũng là một cuốn khá hay, nhưng khá máy móc và hơi chán. Sự cởi mở và chủ động, đó là khác biệt lớn nhất giữa Chip và tác giả người Trung Quốc ấy. Thấy vui vì tác giả Huyền Chip đã cho mình thấy chỉ cần chấp nhận những khuyết điểm của bản thân, bỏ hết cái tôi hay mấy cái nỗi sợ định kiến, là chúng ta có thể gần hơn với ước mơ của mình.