“Em thử làm cái này
Mà khó quá anh ơi!
Em ơi nếu việc dễ
Mà lại kiếm được tiền
Thì ở đời sao có
Nếu có dễ phạm pháp
Hoặc cạm bẫy khôn lường
Dễ đánh đổi cả đời
Chỉ vì lợi trước mắt.”
Em có biết tại sao người Mỹ lại rất chuộng trao học bổng cho những học sinh/sinh viên chơi giỏi thể thao, những thủ lĩnh đội nhóm hoạt động xã hội hơn là những bạn chỉ có thành tích học tập tốt?
Mỗi quốc gia có một triết lý giáo dục khác nhau, từ đó cho ra đời những công dân được giáo dục với những cách tư duy khác nhau, dẫn đến cách họ giải quyết vấn đề khác nhau. Như người Nhật, họ ưu tiên sự tôn ti, trật tự, đa số các công ty tuyển nhân viên vì họ làm việc cần mẫn, kiên trì, có thái độ tốt, lễ phép, lễ độ hơn là những bạn có kỹ năng nhưng lại yếu các đức tính trên.
Người Trung Quốc, lại hướng nền giáo dục của mình đến việc thi cử, ganh đua, chạy chọt, nên họ sản sinh ra những công dân thích thành tích, sẵn sàng đánh đổi đạo đức, đôi khi thủ đoạn và kiếm phần lợi về mình.
Israel bị bao bọc bởi kẻ thù, mỗi phút giây trôi qua họ có thể đã và đang sống trong sợ hãi bị mất tất cả, khiến cho cả dân tộc họ hướng đến những việc làm ít tốn nguồn lực nhất nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao, nên họ nhắm tới cách đào tạo con người suy nghĩ nhanh, chớp nhoáng, nhưng phải bền vững vì nguồn lực họ khan hiếm, nên họ phải tận dụng tối đa với chi phí tối thiểu.
Người Mỹ nhận thấy rằng họ cần những người chơi thể thao giỏi, thủ lĩnh các hoạt động xã hội, dân sự vì họ muốn giáo dục, đào tạo ra những con người biết cách “sống sót” trong bất kỳ tình huống nào của cuộc sống.
Người Mỹ muốn công dân của họ sau 18 tuổi phải là những người tự lập, biết cách giải quyết vấn đề của chính mình, và rồi là giải quyết vấn đề của xã hội. Vì thế không ngạc nhiên khi họ đề cao sự độc lập, tôn trọng đến mức hơi quá quắc tự do cá nhân, và đặc biệt nhất là sự sáng tạo.
Những đức tính tốt đến từ các hoạt động thể thao, dân sự cũng có trong chính huyết quản của các nhà khoa học Mỹ, đó là sự bền bỉ vươn lên có thể được tính bằng giây, vượt qua các khó khăn trở ngại, tự mình giải quyết các vấn đề, không chỉ nước Mỹ cần những con người này, mà cả thế giới đều cần họ để giải quyết các nhu cầu, hoặc chính xác hơn là các bế tắc của xã hội hiện đại.
Nếu việc gì dễ, mà có tiền, em cứ chắc chắn rằng đã có rất nhiều người làm rồi chứ không đến phiên mình đâu em hỡi, còn nếu em nghĩ chỉ mới có em phát hiện ra, anh tin rằng em… đã lầm, vì đời còn nhiều người thông minh lắm, không có chuyện mình tìm ra một “mỏ vàng” dù với kỹ năng chẳng bao nhiêu mà người khác lại cho qua.
Anh không bảo em trở thành người ganh đua, tỵ nạnh với người khác, mà chỉ muốn nhắn nhủ rằng, trên một đường chạy, các chướng ngại vật được sinh ra không phải để cản đường mình, mà là để xem mình có xứng đáng để giao việc “nặng” hơn một chút không. Nếu không vượt qua được từng việc khiến mình phải cố gắng hơn một chút nữa, cố gắng thêm tí nữa – như các vận động viên thể thao – thì em biết rồi, “không làm được cái việc bé tẻo, thì ai dám giao cho việc khác”.

Never give up – Đừng bao giờ bỏ cuộc.
“Khi người học trò cần, người thầy sẽ xuất hiện”, đừng tưởng cứ phải là một con người, một quyển sách xuất hiện đúng lúc thì mới là ông thầy mà ta chờ dợi.
Các chướng ngại vật, các khó khăn “vừa sức” có lẽ chính là những người thầy dạy ta nhiều thứ.
Đời người đâm đầu vào tường nhiều lần lắm. Nhưng người nào cứ thấy tường rồi quay lại, sẽ đến lúc ở hẳn trong mê cung vì đi đâu cũng thấy tường.
Xin mượn câu của Randy Pausch (Bài giảng cuối cùng) làm lời kết.
“The brick walls are there for a reason. The brick walls are not there to keep us out. The brick walls are there to give us a chance to show how badly we want something. Because the brick walls are there to stop the people who don’t want it badly enough. They’re there to stop the other people.”
Dù có thể không giúp em giải quyết case-by-case, nhưng có thể đây là những lời động viên em tiếp tục cố gắng.
Không bỏ cuộc mới là điều quan trọng.
#LêVũ
Trackbacks/Pingbacks