Tìm đọc cuốn sách về cách dạy con của cha mẹ Đan Mạch một phần vì tò mò xem những bậc cha mẹ ở đất nước hạnh phúc nhất thế giới dạy con như thế nào.

Thật thú vị khi tìm hiểu về các cách thức dạy con của cha mẹ ở các nước khác nhau và sau đó đúc rút ra là không có cách dạy con nào là chuẩn nhất, mỗi cha mẹ sẽ có những cách dạy con riêng mà mình tích lũy trong quá trình đồng hành cùng con và thấy phù hợp nhất thì đó là cách tốt nhất. Mỗi đứa trẻ sinh ra đã là một sự khác biệt thì làm sao mà có công thức dạy con nào đồng nhất cho tất cả mọi trẻ em ?
Công thức dạy con của các cha mẹ Đan Mạch được đúc kết trong từ P.A.R.E.N.T

PLAYING – VUI CHƠI

Người lớn thường nhắc đến “chơi” như là một cách để xả stress, thoái mái sau những giờ học hành nghiêm túc, nhưng với trẻ thì “chơi” thực sự là một cách học hành nghiêm túc ? (serious learning).
Các ba mẹ đôi khi cảm thấy tội lỗi khi để con mình vui chơi “vô ích” nên cố gắng để trẻ có càng nhiều thời gian trải nghiệm các hoạt động có ý nghĩa và hướng đến việc phát triển các kỹ năng của trẻ như học đàn, học nhảy, học bơi, học múa….đôi khi những lớp học này chiếm hết cả cuối tuần của con. Nguyên nhân cho việc này thường là vì những kỳ vọng nào đó ở bố mẹ đối với con và luôn muốn con mình học và phát triển một loại kỹ năng nào đó, đôi khi là để bố mẹ có thể tự hào về con so với các bạn khác cùng lứa. Ai mà chả thích được nghe người khác khen về con mình nhỉ: con học đàn giỏi quá, mới 4 tuổi mà con biết đọc giỏi quá, con làm toán giỏi quá….
Với các bố mẹ Đan Mạch thì “vui chơi” không có nghĩa là chơi thể thao hay chơi các hoạt động có tổ chức được tạo ra bởi người lớn mà vui chơi là khi trẻ được tự do chơi đùa, có thể một mình chơi đồ chơi hoặc chơi với bạn bè hoặc đôi khi là chơi điện thoại – để trẻ được chơi đúng cái mình thích, và trong thời gian bao lâu tùy thích.
Các bố mẹ Đan Mạnh không thích lập trình quá mức (overprogramming) cuộc sống của bọn trẻ. Họ hiểu rằng khi trẻ đang được tự do vui chơi là một cách để giúp trẻ bớt cảm xúc lo lắng và hạn chế can thiệp vào khi con đang vui chơi trừ khi việc đó là rất cần thiết. Khi con gặp các tình huống khác nhau khi vui chơi và cách con tương tác/xử lý tình huống là cách con đang tự học và hoàn thiện. Vui chơi khiến cho trẻ trở nên HẠNH PHÚC & BỀN BỈ (resilient) hơn. Và BỀN BỈ đã được chứng minh là một trong những yếu tố quan trọng nhất để trẻ có thể thành công khi trưởng thành. Bền bỉ cũng là phẩm chất mà các cha mẹ Đan Mạnh mong muốn nuôi dưỡng phát triển ở những đứa trẻ.
Một điều thú vị là các công ty sản xuất đồ chơi ngoài trời nổi tiếng thế giới đa phần là từ Đan Mạnh hoặc các nước Bắc Âu.
Câu hỏi để suy ngẫm: Mình có đang quá kỳ vọng vào con phải phát triển toàn diện không? Mình đang mong muốn con đạt được điều này điều kia thực sự để làm gì? Có phải để cha mẹ được bằng bạn bằng bè và có cái để tự hào, để khoe với người khác về con mình không? Hehe

AUTHENTICICY – ĐƯỢC LÀ CHÍNH MÌNH

Có một điều thú vị là các bộ phim của Hollywood thường có những kết thúc rất có hậu và hạnh phúc kiểu: người xấu bị trừng phạt, hoàng tử lấy công chúa và có cuộc sống hạnh phúc mãi mãi…nhưng với các bộ phim của Đan Mạnh thì các kết thúc thường không mấy có hậu và câu chuyện “Cô bé bán Diêm” là một trong những ví dụ điển hình. Họ cho rằng khi xem các bộ phim có kết thúc buồn sẽ khiến cho người xem chủ ý hơn đến những khía cạnh tích cực trong cuộc sống của họ, có cơ hội để nhìn lại mình, nhìn lại những mối quan hệ trong cuộc sống với lòng biết ơn và trân quý.
Với cha mẹ Đan Mạch, được là chính mình (authentic) bắt đầu bằng việc trẻ hiểu được những cảm xúc của bản thân. Nếu chúng ta dạy trẻ nhận thức và chấp nhận những cảm xúc thực sự của chúng dù là tốt hay xấu và những hành vi nhất quán với những giá trị (values)của chúng, thì những thử thách trong cuộc sống dù có khắc nghiệt cũng khó mà quật ngã được chúng. Những đứa trẻ sẽ biết hành xử thế nào là phù hợp với những gì chúng muốn, sẽ biết được đâu là những giới hạn của chúng…và dạy con được là chính mình là bước đầu tiên để nuôi dưỡng sự dũng cảm của trẻ khi được là chính mình, trung thực với bản thân và với người khác.
Câu hỏi nhỏ để suy ngẫm: được là chính mình có khó không? Bạn đã thực sự là chính mình trong cuộc sống chưa hay đang sống theo những kỳ vọng của người khác, những chuẩn mực mà xã hội thường cho là đúng (nhưng chưa chắc đúng với bạn)? Hehe

REFRAMING – TÁI ĐỊNH KHUNG

Mọi người thường không để ý rằng cách chúng ta nhìn nhận về cuộc sống là những sự lựa chọn vô thức. Chúng ta nghĩ rằng những quan điểm của chúng ta về cuộc sống là đúng. Nó thực sự là đúng với chúng ta mà thôi ?. Cuộc sống và các sự vật xung quanh vẫn là thế nhưng với những cách nhìn khác nhau, góc nhìn khác nhau thì nó trở nên khác nhau.
Tưởng tưởng là mình đang dạo chơi trong một phòng trưng bày tranh…Một bức tranh trên tường được cô hướng dẫn viên chỉ cho chúng ta thấy những chi tiết thú vị trong đó và bạn bắt đầu nhận ra à cái này nảy giờ mình đứng xem mà không để ý ?. Những chi tiết này vẫn ở đó, nhưng vì bạn đã tập trung vào những gì bạn muốn thấy nên đã không chủ ý đến nó. TÁI ĐỊNH KHUNG là cách chúng ta nhìn những BỨC TRANH CUỘC SỐNG THEO CÁCH KHÁC ĐI theo hướng tích cực hơn ?
Hình ảnh một đứa con đang nằm ăn vạ mẹ trong siêu thị khi không được mẹ mua món đồ nó thích hay là khi con nhất định không muốn chia sẻ đồ chơi với bạn hay khi cả nhà đến rạp chiếu phim nhưng lại hết vé…đều là những bức tranh trong cuộc sống. Và cách chúng ta nhìn nhận về nó sẽ dẫn đến cách chúng ta hành xử khác nhau – từ đó tạo nên những kết quả khác nhau. Than phiền hay lạc quan đều là do chúng ta lựa chọn chứ không phải vì cuộc sống nó thế!
Và Tái định khung là một trong những phẩm chất mà cha mẹ Đan Mạnh dạy con hàng nhiều thế kỷ nay. Họ dạy bọn trẻ những học cách Tái định khung từ những năm đầu đời vì điều này sẽ giúp trẻ lớn lên một cách tự nhiên hơn là dạy khi đã trưởng thành. Có khả năng Tái định khung tốt là một nền tảng quan trọng của sự BỀN BỈ.

EMPATHY – THẤU CẢM

“Những điều đẹp nhất trong cuộc sống không thể nhìn thấy bằng mắt mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim” (Helen Keller)
Thấu cảm là khả năng nhận thức và hiểu được cảm xúc của người khác. Đó là khả năng cảm thấy những gì mà người khác đang cảm thấy – không chỉ là hiểu (để đó) mà là thấu cảm với họ. Nói ngắn gọn là khi mình biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu những cảm xúc của họ, từ những góc nhìn của họ. Cái này tuy nói thì dễ mà làm thì không dễ chút nào ?
Để dạy trẻ về khả năng Thấu cảm thì trước hết ba mẹ cần là những người học cách thấu cảm và áp dụng điều này vào cuộc sống thông qua cách hành xử với những người trong gia đình, những người xung quanh. Trẻ con sẽ học hỏi và bắt chước từ cách cha mẹ chúng làm nhiều hơn là nói. Vậy nên những trải nghiệm về thấu cảm trong gia đình là thực sự quan trọng để nuôi dưỡng kỹ năng này ở trẻ.
Ở Đan Mạnh, “cảm xúc xã hội” là một môn học bắt buộc ở trường thì những lớp rất nhỏ. Trẻ được học về các loại cảm xúc khác nhau thông qua hình ảnh, gọi tên cảm xúc, diễn tả cảm xúc để hiểu được sự khác nhau giữa các loại cảm xúc và cảm nhận được cảm xúc của người khác trong quá trình tương tác…
Khả năng Thấu cảm là một trong những nền tảng quan trọng để trẻ có thể phát triển được kỹ năng giao tiếp, tương tác xã hội khi lớn lên.
Câu hỏi để suy ngẫm: bạn đã bao giờ dạy con về các loại cảm xúc khác nhau chưa? Gọi tên và mô tả chúng như thế nào?

NO UNTIMATUMS – KHÔNG TỐI HẬU THƯ

“Chiến thắng hàng ngàn trận chiến cũng không bằng chiến thắng chính bản thân mình” (Đức Phật)
Chắc hắn tất cả chúng ta đều trải qua những tình huống như cha mẹ mệt mỏi sau ngày dài làm việc, tụi trẻ thì quậy phá không chịu ngồi yên, không chịu nghe lời cha mẹ mặc dù chúng ta đã cố gắng hết sức. Và vậy là chúng ta phải gào lên để hù dọa chúng hoặc đe dọa sẽ không cho chơi nữa, hoặc lấy đi thứ gì của chúng…để chúng sợ và nghe lời hơn ?).
Cha mẹ Đan Mạch dạy con với sự tôn trọng. Có sự khác biệt giữa sự cứng rắn và sợ hãi. Một đứa trẻ có thể không làm một điều gì đó mà cha mẹ không cho/muốn chúng làm vì sợ hãi chứ không hiểu được lý do thực sự tại sao con không nên làm điều đó. Cha mẹ Đan Mạnh dạy trẻ hiểu được những quy ước trong cuộc sống bằng cách giải thích hoặc đặt câu hỏi…để chúng hiểu được tại sao lại có quy ước này để từ đó chúng hiểu được ý nghĩa và thực hiện theo.
Các trường học ở Đan Mạch khuyến khích sự dân chủ bằng các cho phép học sinh đề ra những nguyên tắc trong lớp học cùng với thầy cô giáo và cứ thế mà làm suốt cả năm học ?. Những nguyên tắc đó có thể là bất kỳ điều gì từ việc không ngắt lời người khác cho đến tôn trọng các bạn trong lớp….Điều quan trọng là trẻ cảm thấy chúng được quyết định những cách thức hành xử chuẩn mực cùng với nhau, và chính vì thế nên sẽ có trách nhiệm hơn với những gì chúng đề ra.
Câu hỏi suy ngẫm: bạn có để con mình tự đặt ra những quy ước bao giờ chưa hay bạn thường hay đặt ra để con tuân theo? Bạn có bao giờ giải thích cho con hiểu tại sao con không được làm cái này cái kia thay vì nói là con không được làm!

TOGETHERNESS & HYGGE – THỜI GIAN CHẤT LƯỢNG BÊN NHAU & HYGGE

Nếu bạn nào từng đọc về phong cách sống của những người dân Bắc Âu thì sẽ thấy “Hygge” là một từ rất phổ biến – và nó là một phong cách sống, cũng tương tự như “Mindfulness/ Sống chánh niệm” mà chúng ta thường nói đến dạo gần đây. Hygge là một từ gốc Đức, có nghĩa là “suy nghĩ hay cảm thấy hài lòng” – nó là một phẩm chất, một cách tư duy, một trạng thái cảm xúc…(Hôm nào có thời gian mình sẽ review 1 quyển sách viết về chủ đề này ?)
Hygge là một phần văn hóa của Đan Mạch, người Đan Mạch luôn cố gắng tạo ra các khoảng thời gian quây quần ấm cúng bên gia đình hoặc bạn bè. Ví dụ vào các dịp Lễ hay Giáng sinh, họ thường quây quần lại và có các hoạt động chung cùng với nhau, có thể là cùng nấu ăn hay chơi các trò chơi tập thể. Đặc biệt vào những khoảnh khắc quây quần đó, mọi người sẽ dành thời gian chất lượng cho nhau tuyệt đối không sử dụng các thiết bị điện tử: điện thoại, máy tính…Văn hóa này khiến mọi người cảm thấy mình được kết nối với nhau hơn, và cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa hơn.
Trong mỗi gia đình với văn hóa Hygge sẽ giúp trẻ cảm nhận được sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, giúp phát triển được trí tuệ cảm xúc, sự bình an nội tâm.
Câu hỏi suy ngẫm: khoảnh khắc mà cả gia đình bạn sum vầy bên nhau và thực sự dành thời gian chất lượng cho nhau gần đây nhất là khi nào?