Đọc sách nhanh không bao giờ là mục tiêu. Mục tiêu là hiểu nhanh (understand fast). Bởi không cần biết tốc độ đọc của bạn nhanh hay chậm, nếu bạn chỉ hiểu được 10%, thì con số 10% này nói lên tất cả. Bạn chỉ thu về 10%. Đọc nhanh là một khái niệm không rõ ràng. Bản thân 2 từ đọc nhanh đúng ra cần được ám chỉ là hiểu nhanh. Nhưng nhiều người và sách hướng dẫn lại quy ra số chữ trên phút. Theo kiểu 200 từ/phút là chậm còn 1000 từ/phút là rất nhanh.
Vô ích!
Bạn thậm chí có thể đọc được 1 triệu từ/phút nếu muốn. Nếu đọc sách nhanh là mục tiêu của bạn. Nhưng bạn thu về dưới 0.001% lượng kiến thức thì con số 1 triệu từ/phút kia không có nhiều ý nghĩa.
Đặt mục tiêu đọc nhanh giống như rửa bát nhanh. Nếu bạn rửa nhanh nhưng kết quả vẫn là bát đũa đầy mỡ và thức ăn thì ý nghĩa của công việc rửa bát này vô nghĩa. Bởi mục tiêu cuối cùng của rửa bát là SẠCH chứ không phải là XONG. Nếu nó không SẠCH, bát chưa bao giờ được rửa.
Hay mục tiêu của đọc sách không bao giờ là ĐỌC hay là HOÀN THÀNH. Mục tiêu cuối cùng của sách là HIỂU. Nếu bạn chỉ đọc nhưng không hiểu, bạn chưa bao giờ đọc.
Chính vì thế để đọc sách hiệu quả, bạn phải thay đổi hoàn toàn khái niệm đọc sách nhanh sang hiểu nhanh.
Câu hỏi của bạn sẽ đổi thành “Làm thế nào để HIỂU nhanh”

1. Đừng đọc sai sách

It’s not about speed. It’s about DIRECTION
Giống như tình yêu. Nếu ngay từ đầu bạn yêu sai người, bạn sẽ gặp khó khăn suốt chặng đường về sau. Nhưng nếu yêu đúng người ngay từ đầu, 90% các vấn đề gần như bạn sẽ không bao giờ gặp phải.
Phần lớn khi nhắc đến sách chúng ta hình dung đến thứ tích cực.
Nhưng sách cũng có nhiều loại. Sách cũng có khái niệm hay và dở.
Sách hay nhưng dịch dở thì sẽ vẫn là sách dở. Nhiều khi vấn đề không phải do bạn có vấn đề về đọc hiểu, mà có thể do bản dịch ẩu.
Sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục Đào Tạo là một ví dụ khác viết bởi các nhà giáo dục của thế hệ thuộc cũ. Thí điểm đi thí điểm lại liên tục. Chưa kể một số phần bị chính trị hoá.
Đấy là chưa kể nội dung nhàm chán nhưng lại đổ lỗi cho học sinh lười học.
Chính vì vậy mình muốn đảm bảo, bạn chọn ĐÚNG sách ngay từ đầu.
Bởi vấn đề đôi khi không hẳn do tốc độ, vấn đề là do hướng đi. Đi nhanh mà sai hướng còn tai hại hơn đi chậm mà đúng hướng.

Laptop in classic library with books in background series

2. Nghiên cứu về tác giả

Reading happens BEFORE you even touch the book.
Tiếp theo, nghiên cứu background của Tác Giả trước khi đọc sách của họ. Bạn cần hiểu lăng kính và vị trí của họ trước khi quyết định đầu tư nhiều thời gian hơn vào sách của họ.
Ví dụ sách chính trị sẽ có hai trường phái Left và Right. Đôi khi không cần đọc sách của họ, mà chỉ cần biết họ thôi bạn cũng hình dung cả nội dung cuốn sách nói về cái gì.
Sách dinh dưỡng thường có nhiều trường phái. Đôi khi chỉ cần biết tác giả thôi bạn cũng hiểu được luận điểm xuyên suốt của cuốn sách. Sách chỉ đơn thuần là các dẫn chứng và logic.
Khi hiểu được luận điểm chính, bạn sẽ không mất công mày mò, tìm kiếm, suy diễn. Đây là hiểu nhanh.

3. In phần mục lục ra

Mục lục là phần quan trọng nhất vì nó là bản đồ. Nó giúp bạn không bị lạc.
Giống như lái xe Grab không sử dụng Maps thì không thể năng suất bằng lái xe có sử dụng Maps.
Phần lớn khi đọc chúng ta chỉ đọc phần mục lục lúc đầu và ít khi giở lại.
Nhưng bạn cần giở lại nhiều hơn vì nó giúp bạn định hình (sketch) ý tưởng một cách hệ thống. Việc làm này giúp bạn hiểu nhanh và không bị lạc.
Khi chia ý tưởng ra thành nhiều ngăn riêng biệt rõ ràng, tốc độ hiểu của bạn tăng vọt.

4. Bút Highlight

Bạn đang trong khu rừng rậm, mong muốn tìm được lối ra. Nhưng đi mãi đi mãi lại trở về chỗ cũ. Hoặc đến một nơi hoàn toàn mới, hoặc quen quen. Bạn bị mất dấu.
Bạn nghĩ ra một ý tưởng. Đó là đánh dấu những vùng đã đi.
Bút Highlight không chỉ hữu ích trong việc ghi lại những ý tưởng hay.
Mà còn giúp bạn đánh dấu những mốc quan trọng trong cuốn sách.
Khi bạn sử dụng bút Highlight, cuốn sách như trở nên ngắn lại, dễ đọc hơn. Bạn đang tương tác với nó thay vì chỉ lướt qua như một cơn gió.
Việc làm này cũng giúp bạn tạo kết nối các giác quan với nhau làm tăng trí nhớ và tăng tốc độ hiểu.
Chưa kể khi ĐỌC LẠI, bạn dễ dàng tìm lại những phần quan trọng thay vì phải mất thời gian mò mẫm. Đây là đọc tối ưu. Mang đến cho bạn sự hiểu nhanh.

5. Tóm tắt liên tục

Khả năng tóm tắt là phản ánh rõ ràng nhất của đọc hiểu.
Nếu bạn không hiểu, bạn sẽ không tóm tắt được và ngược lại.
Suy cho cùng, bạn không thể ghi nhớ cả cuốn sách. Khi gấp sách lại và ra làm việc khác, những gì còn đọng lại chỉ còn vài dòng tóm tắt.
Vấn đề không phải bạn đã đọc được bao nhiêu.
Vấn đề nằm ở chỗ bạn đọng lại được bao nhiêu khi gấp sách lại.
Tất cả thể hiện ở tóm tắt. Tóm tắt giúp bạn có thể nhét vào trong não và cầm theo mọi lúc mọi nơi dễ dàng.
Bạn không thể cầm cả cái máy tính Desktop đi công du. Nhưng bạn có thể cầm theo iPad hay iPhone. Tóm tắt là khả năng biến máy tính Desktop thành iPhone.

6. Thay vì đọc sách nhanh, đọc lại nhiều lần

Đọc sách giống như tập võ.
Để các động tác của bạn mượt mà, bạn không thể chỉ tập một buổi. Bạn cần nhiều buổi, liên tục, trong nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm.
Đọc sách 1 lần về bản chất là cưỡingựa xem hoa.
Dù bạn có cố gắng tập trung thế nào đi nữa, lượng kiến thức trong sách quá lớn. Quá sâu.
Sách viết ra không phải để HOÀN THÀNH.
Sách viết ra để nghiên cứu và tra cứu.
Bởi bạn nghĩ mà xem, nếu sách chỉ để hoàn thành thì tại sao người ta cần đến tủ sách để lưu trữ? Chúng ta lưu trữ để quay lại nhiều lần.
Đây là một nhận thức mang tính đột phá. Bởi phần lớn người đọc hiện nay bị choáng ngợp với lượng sách khổng lồ trên thị trường. Họ như kiểu bị giục phải đọc thật nhanh, hoàn thành thật nhanh.
Đọc sách dần dần trở thành một mục tiêu. Rằng trong năm 2020 phải đọc hết mấy cuốn mấy cuốn…
Tư duy này dễ phá vỡ mục tiêu của đọc sách là HIỂU chứ không phải ĐỌC vì sự thiếu kiên nhẫn.
Bạn tưởng tượng cuốn sách bạn đọc giống như cái giếng nước. Lần đầu đọc bạn chỉ lấy được 20% lượng nước của cái giếng đấy. Lần 2 bạn thu về 70%. Lần 3 bạn thu về 95%.
*** Tóm lại ***
Mục tiêu của đào vàng không phải là đào. Mà là vàng.
Bạn không muốn đào nhanh. Bạn muốn đào được nhiều vàng.
Mục tiêu của đọc hiểu không phải là đọc. Mà là hiểu.
(Follow me to read more crazy posts like this)

Tác giả: Kien Tran

P.s: Có thể bạn quan tâm :

Những bài viết Cảm nhận sách của Stuonl